Phạm tội trên độ tuổi 70 có được coi là người cao tuổi trong tố tụng hình sự không ?
Phạm tội hiện nay có xu hướng phổ biến hơn với nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau, trong đó việc một người phạm tội là người đã lớn tuổi không phải là trường hợp hiếm gặp. Người ta thường có câu, có 3 đối tượng cần được ưu tiên, đó là ‘trẻ em, người già, phụ nữ”. Vậy trong pháp luật tố tụng hình sự, trên 70 tuổi có được coi là người cao tuổi hay không để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật ?
Xét theo thuật ngữ pháp lý thông thường, tại Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 quy định về độ tuổi được xem là người cao tuổi cụ thể như sau: “Điều 2. Người cao tuổi Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Như vậy, mọi công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên thì đều là người cao tuổi theo quy định của người cao tuổi. Hay tại Bộ luật Lao động 2019 quy định tại Mục 2 Chương XI đối với “Người lao động cao tuổi”.
Xét theo thuật ngữ pháp lý hình sự, BLHS hay BLTTHS đều không sử dụng thuật ngữ người cao tuổi, mà sử dụng cụm từ "người già" hay "người già yếu". Đây là điểm đặc biệt chỉ có ở pháp luật hình sự. Nhưng trong BLHS hay BLTTHS không có quy định cụ thể về khái niệm người già yếu hay người già. Các thuật ngữ này chỉ được đề cập tới trong các quy định xử lý trách nhiệm của người cao tuổi phạm tội hình sự hay người cao tuổi là người bị hại.
Tuy nhiên, người trên 70 tuổi phạm tội có thể được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ như tại điểm o khoản 1 điều 51 BLHS 2015, điểm e khoản 1 điều 66 BLHS 2015 về tha tù trước thời hạn,…và một số các quy định giảm nhẹ khác.