Tin tức về hình sự

TẢO HÔN LÀ GÌ? HÀNH VI TẢO HÔN CÓ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG ?

TẢO HÔN LÀ GÌ? HÀNH VI TẢO HÔN CÓ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG ?

            Hôn nhân là một mối quan hệ dựa trên tinh thần tự nguyện và đầy đủ nhận thức, khi con người đã đạt đến độ “chin” nhất định, đủ để nhận thức được ý chí và nguyện vọng của mình.  Thế nhưng xã hội hiện nay vẫn có  những trường hợp các gia đình cho phép hoặc tổ chức cho các em nhỏ kết hôn với nhau ở độ tuổi rất nhỏ, điều này làm ảnh hưởng nghiêm  trọng đến giá trị hôn nhân và cuộc sống của các em sau này, mà thường được gọi với tên gọi “tảo hôn”. Vậy tảo hôn là gì, và hành vi này có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

          Vậy tảo hôn là gì ?

Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Như vậy, độ tuổi tối thiểu để kết hôn của nam là 20 tuổi, nữ là 18 tuổi. Dưới độ tuổi đó, đều được coi là độ tuổi xác định hành vi tảo hôn. Căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.”

           Theo quy định trên, hành vi tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định, tức nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể, chúng ta có thể chia tảo hôn thành 02 trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: cả 02 bên nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn

- Trường hợp 2:  một bên nam hoặc một bên nữ chưa đủ tuổi kết hôn

          Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hành vi tảo hôn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

           Vậy hành vi tảo hôn có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội tổ chức tảo hôn:

Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.

           Như vậy, người nào có hành vi tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tổ chức tảo hôn. Người phạm tội tổ chức tảo hôn thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

          Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể phải chịu xử phạt hành chính theo căn cứ Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án”.

Bài sau →