Tin tức về hình sự

THẾ NÀO LÀ XÚI GIỤC NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI ?

THẾ NÀO LÀ XÚI GIỤC NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI ?

         Người chưa thành niên hiện nay có xu hướng tham gia vào nhóm tội phạm ngày càng phổ biến. Có rất nhiều những trường hợp người chưa thành niên phạm tội mà các ý tưởng phạm tội đều được người khác ( đã thành niên) chỉ dẫn cho. Vậy những người đã hứa hẹn, dỗ dành hay gợi ý cho người chưa thành niên phạm tội thì có được coi là đồng phạm hay không ? Và có phải chịu trách nhiệm về tội danh giống như với người chưa thành niên hay không ? Hãy cùng Luật Hàm Rồng tìm hiểu ngay sau đây !

        Đầu tiên, khái niệm “người chưa thành niên” có thể hiểu là người có độ tuổi dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên là người đang trong quá trình phát triển cả về sinh lí, tâm lí và ý thức, bị mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc. Khi mà kinh nghiệm trong cuộc sống còn quá ít ỏi, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế…là những yếu tố ảnh hưởng góp phần dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở lứa tuổi chưa thành niên.

        Thứ hai, người chưa thành niên hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mình gây ra theo điều 12 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau : Người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với tất cả các tội phạm mình gây ra ( trừ khi BLHS có quy định khác); Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cho các tội danh rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong BLHS trên. Nên hãy giả sử trường hợp người chưa thành niên phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm tương ứng, đương nhiên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người này là đúng pháp luật.

        Vậy người đã thành niên khi gợi ý, bày cách cho người chưa thành niên thì có bị coi là đồng phạm và chịu TNHS hay không ?

         Khoản 3, Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về người xúi giục như sau: Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Theo đó, đặc điểm của người xúi giục là tác động đến tư tưởng và ý chí của người khác, khiến người này phạm tội. Sự xúi giục có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh. Hành vi xúi giục phải trực tiếp, phải nhằm vào một hoặc một số người nhất định. Việc kêu gọi, chỉ dẫn, gợi ý mà không hướng tới những người xác định thì không phải là hành vi xúi giục.

         Do vậy, nếu người đã thành niên gợi ý, bày cách cho người chưa thành niên tiến hành phạm tội, nhưng không chỉ rõ ai là nạn nhân, hay thủ đoạn như thế nào,…mà vị trí, đối tượng đều do người chưa thành niên tự mình định đoạt thì người đã thành niên kia vẫn được coi là đồng phạm nhưng không phải chịu tội danh giống như người chưa thành niên. Nhưng người đó vẫn bị truy tố về tội danh “Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp” theo Điều 325 Bộ luật Hình sự 2015.

← Bài trước Bài sau →