Tại thời điểm ly hôn, con cái là một trong những điều trăn trở lớn nhất của đại đa số các bậc làm cha mẹ. Nhưng không phải ai cũng may mắn giành được quyền nuôi con. Có những người vợ/chồng sau thời điểm ly hôn muốn giành quyền nuôi con, vậy điều này có được cho phép trong pháp luật ?
Có thể thấy, sau khi ly hôn, Tòa án sẽ giao quyền trực tiếp nuôi con cho một trong hai bên vợ hoặc chồng có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do đó, khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, trước hết người có quyền sẽ là cha hoặc mẹ của đứa trẻ. Bên cạnh đó, còn có thể là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời như là ông, bà, cô, dì, chú, bác…(theo khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).Tuy nhiên, có trường hợp tổ chức theo quy định của pháp luật cũng có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con ( như UBND các cấp; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Hội Liên hiệp phụ nữ…) căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Theo pháp luật hiện nay, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ:
+ cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con
+ người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Dựa theo điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết.
=> Qua đó, có thể thấy ngay cả khi đã có bản án giải quyết ly hôn của Tòa án, vẫn có thể giành lại quyền nuôi con khi có yêu cầu thay đổi và chứng minh người vợ hoặc chồng cũ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.